Người Quay Tơ là một tác phẩm chẳng được nhiều người biết đến trong sự nghiệp văn học lẫy lừng của Nhất Linh – chủ soái Tự lực văn đoàn. Được in lần đầu vào năm 1927 tại Nghiêm Hàn ấn quán, và từ đó đến nay, tác phẩm mới chỉ được in thêm một lần duy nhất vào năm 1954 tại Sài Gòn với số lượng không nhiều. Nói đến đây thôi, chắc chúng ta cũng đủ hiểu sự “hẩm hiu” của Người Quay Tơ so với những tác phẩm truyện khác vốn được nhiều người đón nhận và nhắc đến suốt những thập kỷ sau này của Nhất Linh như Đoạn tuyệt, Đôi bạn hay Lạnh lùng…
Nhưng Người Quay Tơ có lẽ lại là một trong những tác phẩm được Nhất Linh gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm vào nhất. Là tuyển tập của mười hai truyện ngắn, bao gồm cả truyện dịch cổ và truyện dịch từ tiếng nước ngoài, cuốn sách ấp ủ mười hai câu chuyện cuộc đời với muôn hình vạn trạng khác nhau. Đó là câu chuyện của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng lạc lõng trong loạn lạc của xã hội đổi thay để rồi phải chịu nỗi đau khôn cùng mất cả chồng cả con mà hóa điên hóa dại (trong Người Quay Tơ). Đó cũng là câu chuyện của người tu hành nhưng chưa hết được lòng tham trần tục, vẫn bị tiền tài hấp dẫn để sa đà vào con đường quyền lực, danh vọng (trong Sư bác chùa Kênh)… Mỗi câu chuyện là một vấn đề nhức nhối cần thay đổi, cần cải cách của xã hội được Nhất Linh thẳng thắn lên tiếng, trình bày thông qua ngòi bút sắc bén của mình.
Ra đời sau “Nho phong” - tác phẩm đầu tay có vẻ còn non nớt của tác giả chỉ vỏn vẹn có đúng một năm (1926 – 1927), nhưng Người Quay Tơ lại là cả một sự thay đổi vượt bậc của Nhất Linh trong văn phong, ngôn từ hay những ẩn dụ nghệ thuật. Câu văn không còn lê thê, ước lệ do chịu ảnh hưởng của văn học trung đại Việt Nam những ngày xưa cũ, mà ngắn gọn, súc tích, trực tiếp và thẳng thắn. Ngôn từ được sử dụng cũng tự nhiên, giản dị và đời thường hơn muôn phần. Đó là một bước tiến lớn của văn học Việt Nam ngay trong thời kỳ tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ còn đang trong giai đoạn phôi thai.