Hiệu Năng Châm Ngôn Của Nhà Doanh Nghiệp
Hiệu Năng Châm Ngôn Của Nhà Doanh Nghiệp – Nguyễn Hiến Lê
Ai yêu sách hẳn không còn lạ gì với cái tên học giả Nguyễn Hiến Lê – một nhà văn, nhà giáo, tác giả, dịch giả của hàng trăm đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như: Văn học, triết học, giáo dục, chính trị, kinh tế… Trong đó nhiều cuốn đã trở thành “Sách gối đầu giường” như Đắc Nhân Tâm, Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống, Bảy Bước Đến Thành Công, Dạy Con Theo Lối Mới, Sử Ký Tư Mã Thiên, Bài Học Do Thái, Kinh Dịch… Nguyễn Hiến Lê tự là Lộc Đình, sinh năm 1912, mất năm 1984, hưởng thọ 73 tuổi. Sẽ không ngoa khi gọi Nguyễn Hiến Lê là “tượng đài văn hoá”. Cả đời ông gần như dành trọn cho nghiệp viết. Trong hơn 30 năm cầm bút, ông đã xuất bản 120 bộ sách – con số gần gấp 1,5 lần tuổi đời của ông. Viết nhiều nhưng Nguyễn Hiến Lê lại vô cùng cẩn trọng và nghiêm túc. Năm 1968, khi dịch Chiến Tranh Và Hoà Bình, do tình hình chiến sự căng thẳng, ông đã chép tay trên giấy than thành 3 bản, một đưa cho nhà xuất bản, một cất ở nhà và một gửi về quê phòng khi thất lạc. Cũng vì cẩn trọng nên ông luôn ý thức được việc phải xin phép trước khi dịch tác phẩm. Trong hồi ký, Nguyễn Hiến Lê đã kể tỉ mỉ việc ông viết thư cho tác giả Dale Carnegie để xin dịch cuốn Đắc Nhân Tâm và trở thành người đầu tiên đưa tác phẩm giá trị này về Việt Nam. Đây là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất mọi thời đại, luôn đứng đầu danh sách bán chạy nhất, được dịch sang hầu hết các thứ tiếng và có ảnh hưởng làm thay đổi cuộc đời hàng triệu người trên thế giới. Bắt đầu xuất bản ở Việt Nam từ năm 1951, Đắc Nhân Tâm nhanh chóng gây chú ý và trở thành “hiện tượng” trong ngành xuất bản khi liên tục được tái bản.