Từ Giờ Thứ 6 Đến Giờ Thứ 9 (Tái Bản Có Bổ Sung)
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín được kể bằng ngôi thứ ba với điểm nhìn chính từ Sơn, một chàng trai sống trong gia đình có năm anh em, hai anh nhảy núi theo Việt cộng, hai anh đăng lính Quốc gia. Chiến tranh đến hồi khốc liệt, trước nguy cơ các con đi lính đều có thể chết, người cha tên Ruộng đã bố trí cho đứa con út hành phương Nam để “bảo tồn giống nòi”, trở thành một thanh niên “trốn lính cả hai phía, không nghề nghiệp, không lí tưởng”.
Qua thế giới quan của Sơn, xã hội miền Nam (tính từ Vĩ tuyến 17 trở vào) những năm tháng chiến tranh hiện lên hỗn độn và bi thương. Viện trợ Mỹ, văn hóa phương Tây với trào lưu Hippie và chủ nghĩa Hiện sinh đổ vào miền Nam; chính quyền bù nhìn, quan chức tham nhũng, buôn lậu; tệ nạn, mại dâm… ngập ngụa từ thành thị đến nông thôn. Những cuộc hành quân bắn giết. Những vụ khủng bố ám sát… Trong hoàn cảnh ấy, nhiều người thân và bạn bè của Sơn học xong trung học thường phải đứng trước hai lựa chọn: một là theo Việt cộng, hai là vào Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Và Sơn đã được/ phải tiếp xúc với cả hai phía trong tâm thế “kẻ thân thuộc vô can”.
Trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Một nói chung và ở cuốn tiểu thuyết này nói riêng, tâm thức “vọng cố hương” rất mạnh. Dù trong hoàn cảnh nào thì Sơn vẫn hướng về Mỹ Sơn, Quảng Nam, nơi có những tháp Chàm bí ẩn, những bóng ma hời u uất, và những người nông dân chất phác nghĩa tình.
Trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, Nguyễn Một dành nhiều tâm huyết cho chủ đề tôn giáo. Ông tỏ lòng kính ngưỡng Chúa Giê-su và những linh mục kính Chúa yêu nước thông qua Sơn, một người ngoại đạo nhưng mang tình yêu Thiên Chúa. Ông cũng tỏ ra khách quan khi đề cập đến những tôn giáo khác. Mỗi tôn giáo có tư tưởng và triết lý riêng, nhưng đều có chung mục đích nhân văn là chăm sóc phần hồn của con người, hướng con người tới những điều tốt đẹp.
… Từ giớ thứ sáu đến giờ thứ chín là cuốn tiểu thuyết đa chủ đề, Quê hương – Chiến tranh – Tôn giáo…, những chủ đề này được ngào trộn, tương tác, phản ứng và kết tinh nhờ một chất xúc tác kì diệu là Tình yêu.
“Lúc đó vào khoảng từ giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa…” Đoạn Kinh Thánh được Nguyễn Một rút làm tựa sách cũng là thông điệp cho tác phẩm hơn ba trăm trang in với bề bộn ngổn ngang nhân tình thế thái. Sau quãng thời gian tăm tối, “hồi quang hoàng hôn lóe sáng bên bãi bồi. Lần đầu tiên trong đời, Sơn nhận ra màu chiều huyền hoặc của dòng sông”.
Người Việt hay dùng câu thành ngữ “Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai” vốn được lấy ra từ hai quẻ trong Kinh Dịch: “Bĩ tượng trưng cho cùng khốn, Thái tượng trưng cho sự hanh thông”. Số phận của mỗi nhân vật trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín gắn liền với lịch sử đau thương của đất nước dằng dặc mấy chục năm từ chiến tranh vắt sang hòa bình đã nhận được những cái kết có hậu, như sự phục sinh.
(Nhà văn Đỗ Tiến Thụy)
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2023 do Công ty Liên Việt và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản phát hành. Tác phẩm đã đoạt Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 và tạo được sức hút lớn đối với bạn đọc và giới văn chương.
Năm 2024, cuốn tiểu thuyết được tái bản có bổ sung hơn 100 trang “Ngoại truyện về tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”. Kính mời Quý độc giả đón đọc.