Sách “Hướng dẫn học tập Bản tổng quát” được Bộ Giáo dục Nhật Bản soạn thảo năm 1947, khi nước Nhật thất bại trong Thế chiến thứ 2. Lúc này, giáo dục Nhật Bản đặt ra yêu cầu có bước thay đổi toàn diện so với trước đó. Trước đó mục tiêu của giáo dục Nhật Bản là tạo ra những con người trung thành tuyệt đối với Thiên Hoàng, sau chiến tranh mục tiêu của giáo dục Nhật Bản cần phải tạo ra con người tự chủ, có chính kiến trước các vấn đề của thời cuộc, để tái thiết lại đất nước Nhật Bản.
Cuốn sách với tư cách là lý luận chung, đưa ra mục tiêu giáo dục nào cần tư duy trong tình hình xã hội hiện tại. Tiếp đó đưa ra khóa trình giáo dục mới đồng thời trình bày khái quát về sự phát triển của đời sống học sinh, phương pháp hướng dẫn và phương phát kiểm tra khảo sát kết quả hướng dẫn.
Mặc dù cuốn sách ra đời năm 1947 ở Nhật, nhưng vẫn là những vấn đề có ý nghĩa với xã hội Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, tháng 12/2018, Bộ GD-ĐT công bố Chương trình của các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc Tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc THCS và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc THPT. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo cho các thầy cô giáo, và những người làm về công tác giáo dục cũng như những người quan tâm đến giáo dục.
“Trong nền giáo dục từ trước đến nay, khi nội dung đã được quyết định thì nó sẽ được thực hiện giống nhau cho dù là ở đâu và với đối tượng học sinh nào. Cách làm như thế đã biến lập trường của giáo viên, những người hướng dẫn ở hiện trường giáo dục thành máy móc, làm mất đi sự công phu, sáng tạo của bản thân giáo viên, làm giảm những hoạt động sinh động trong giáo dục, khiến tư duy của giáo viên bị đẩy vào trạng thái chỉ cần dạy theo khuôn mẫu là ổn, làm mất đi cảm xúc muốn hướng dẫn thật sự.
Vì vậy, giáo viên, người có trách nhiệm giáo dục trực tiếp học sinh phải nhìn vào đặc trưng của xã hội ở từng địa phương, hiểu học sinh, chuẩn bị công phu về nội dung và phương pháp, lựa chọn lấy thứ thích hợp và nỗ lực để đạt được mục tiêu giáo dục.
Giờ đây, khi tổ quốc đang ở điểm xuất phát mới thì hơn ai hết, các nhà giáo dục đều nhận thức rõ rằng trách nhiệm lớn lao đang đặt lên giáo dục”