Tam Tự Kinh
Tam Tự Kinh là sách học vỡ lòng của con trẻ Trung Quốc và cả Việt Nam, được biên soạn từ đời tống (960 – 1279), đến các đời Minh, Thanh lại được bổ sung. Nội dung của sách chỉ hơn một ngàn chữ (1000), bố trí ba chữ một câu có vần, do đó mà đặt tên là Tam Tự Kinh. Nhưng sao gọi là Kinh? Nó có phải như lời của Lưu Hiệp nói trong Văn Tâm Điêu Long là do thánh nhân chế tác nên gọi là Kinh (Thánh nhân chế tác viết Kinh, Hiền giả trứ thuật viết Truyện).
Sách không hẳn là do thánh nhân làm ra, nhưng nó là kết tinh của sách vở thánh hiền truyền lại. Chỉ hơn một ngàn chữ mà nêu ra đủ trọng tâm các vấn đề: Từ bản tính sơ sinh “tính tương cận, Tập tương viễn” đến giáo pháp, giáo đạo “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, Tu tề, Hiếu đễ, từ bản thân đến vạn vật, vụ trụ: Tam tài, tam quang, tam cương, ngũ hành, ngũ nghĩa, ngũ thường… Tứ thư, Ngũ kinh, gương chuyên cần, đạo xử thế… còn lược kê cả những diễn biến lịch sử Trung Quốc từ Phục Hy, Thần nông đến Minh, Thanh….
Sách vỡ lòng được biên soạn như vậy thật quá chu đáo, dù không học nhiều, nhưng với 1000 chữ, khi nắm vững được nghĩa lý, cũng khả dĩ cho con người có một khái niệm vững chắc về cuộc sống, về đạo đời, là mẫn mực sáng giá cho mãi đến ngày nay.