Tóm tắt & Review sách Những ngày cuối cùng của khủng long: Thiên Thạch, Sự Tuyệt Chủng Và Khởi Đầu Của Thế Giới Chúng Ta – Riley Black
1. Giới thiệu tác giả
Riley Black là tác giả của nhiều cuốn sách về hóa thạch như Skeleton Keys và Written in Stone được giới phê bình đánh giá cao, với nhiều bài viết đóng góp cho các ấn phẩm từ National Geographic Scientific American và đến Slate. Cô thường tham gia các chuyến thám hiểm lĩnh vực cổ sinh vật để tìm kiếm những khám phá mới về thời tiền sử.
2. Giới thiệu tác phẩm
Cuốn sách về thiên thạch, sự tuyệt chủng và khởi đầu của thế giới chúng ta.
3. Tóm tắt nội dung sách Những ngày cuối cùng của khủng long: Thiên Thạch, Sự Tuyệt Chủng Và Khởi Đầu Của Thế Giới Chúng Ta
Tai ương chưa bao giờ là dễ chịu cả.
Những con khủng long chưa bao giờ trông đợi điều đó. Những sinh vật khác cũng vậy, từ những con vi khuẩn nhỏ nhất cho đến những loài bò sát lớn bay lượn trên không trung đang phát triển mạnh mẽ vào một ngày hoàn toàn bình thường thuộc kỷ Phấn Trắng cách đây 66 triệu năm. Mới lúc này, sự sống, cái chết và sự đổi mới còn đang diễn ra giống như ngày hôm qua, ngày hôm nọ và ngày trước đó, kéo dài qua hàng triệu năm. Vậy mà ngay khoảnh khắc tiếp theo, hành tinh của chúng ta phải hứng chịu một ngày tồi tệ nhất trong lịch sử của sự sống trên Trái Đất.
Trong tích tắc, mớ bòng bong của sự sống đã bị ném vào một đống hỗn loạn nảy lửa. Không có dấu hiệu cảnh báo, không có còi hiệu nguyên thủy nào gióng lên và khiến các sinh vật trên Trái Đất lao đến bất kỳ nơi ẩn náu khả dĩ nào. Không có cách gì để bất cứ loài nào có thể chuẩn bị cho thảm họa từ trên trời ập xuống với sức nổ lớn gấp 10 tỷ lần những quả bom nguyên tử được phát nổ vào cuối Thế chiến thứ Hai. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Hỏa hoạn, động đất, sóng thần và sự bế tắc đến nghẹt thở của một mùa đông do va chạm tạo ra kéo dài trong nhiều năm – tất cả chúng đều có vai trò chết chóc riêng trong những gì xảy ra tiếp theo.
Thảm họa này có nhiều tên gọi khác nhau. Đôi khi, nó được gọi là sự tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Phấn Trắng. Trong nhiều năm, nó được gọi là sự tuyệt chủng hàng loạt kỷ Phấn Trắng-Đệ tam, đánh dấu sự kết thúc của Thời đại Bò sát và bắt đầu kỷ nguyên thứ ba, kỷ Đệ tam của sự sống trên Trái Đất. Tên gọi này sau đó đã được sửa đổi theo các quy tắc của chuyên ngành địa chất thành sự tuyệt chủng hàng loạt kỷ Phấn Trắng-Cổ cận.
Nhưng bất kể chúng ta gọi nó là gì đi chăng nữa, những vết sẹo trên đá cũng kể cùng một câu chuyện. Đột nhiên, sự sống bị ném vào một sự hỗn loạn khủng khiếp không thể tránh khỏi và đã định hình lại quá trình tiến hóa. Một mảnh vỡ từ vũ trụ với đường kính có khả năng dài hơn 11 kilômét đã đâm sầm vào hành tinh và gây ra kịch bản tồi tệ nhất cho khủng long và toàn bộ sự sống khác trên Trái Đất. Đây là lần gần nhất mà thế giới từng nhấn nút “Khởi động lại”, một mối đe dọa kinh khủng đến mức – nếu không phải vì một vài sự tình cờ may mắn – nó có thể đã trả Trái Đất về trạng thái ngôi nhà của các đốm màu đơn bào và chẳng hơn thế là bao.
Tác động của vụ va chạm diễn ra nhanh chóng và hết sức thảm khốc. Sức nóng, lửa, muội than và chết chóc bao trùm lên hành tinh chỉ trong vài giờ. Những gì đã xảy ra vào cuối kỷ Phấn Trắng không phải là một chuỗi chết chóc kéo dài do oxy trong khí quyển cạn kiệt hoặc biển bị axit hóa. Tai họa này xảy ra ngay lập tức và khủng khiếp như một vết thương do đạn bắn. Số phận của toàn bộ các loài, toàn bộ các họ sinh vật, đã bị thay đổi vĩnh viễn chỉ trong một khoảnh khắc.
Các nhà sinh vật học vẫn tranh cãi về định nghĩa thực sự của sự sống – sinh sản, tăng trưởng, vận động – nhưng một thực tế đáng kinh ngạc mà chúng ta được thấy hằng ngày là sự sống kiên cường đến khó tin và không thể kìm nén. Mọi sinh vật sống ngày nay đều gắn liền với nhau – mỗi sự sống kết nối với sự sống trước nó.
Thế giới như chúng ta biết ngày hôm nay là sự nảy nở tiếp sau một thảm họa, sự sống không chỉ quay trở lại mà còn được định hình lại bởi chính bản chất của thảm họa đó. Trong những giờ, ngày, tuần, tháng, và năm sau va chạm hầu hết mọi nhánh của Cây Sự Sống đều bị chặt hạ, bị hư hại hoặc phải vật lộn để phát triển. Ngay cả những sinh vật mà chúng ta nghĩ là những kẻ sống sót cũng không được bình an vô sự. Trong thảm họa K-Pg, đã có sự tuyệt chủng hàng loạt của động vật có vú, thằn lằn, chim và hơn thế nữa, sự hỗn loạn sinh thái ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên Trái Đất. Qua “ống kính” mờ sương và đôi khi mờ ảo của các mẫu hóa thạch, các nhà cổ sinh vật học đã ước tính rằng khoảng 75% các loài đã biết còn sống vào cuối kỷ Phấn Trắng đã không có mặt trong khoảng thời gian tiếp theo. Như thể là chốt hạ kết luận này, một dải đất sét chứa kim loại iridi đánh dấu ranh giới giữa Thời đại Khủng long và các chương mở đầu của Thời đại Động vật có vú. Ở một số nơi, chẳng hạn như phía đông bang Montana và phía tây hai bang Dakota, bạn có thể theo dõi câu chuyện theo từng lớp, xem những loài vật như Triceratops biển mất khi một thế giới của những quả cầu lông nhỏ bé bắt đầu phát triển trong Thời đại mới của Động vật có vú.
Chúng ta vẫn cảm thấy sự mất mát đó. Khi còn nhỏ, tôi cảm thấy thật bất công khi không thể cưỡi con Tyrannosaurus rex của riêng mình đến trường. Mặc dù tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng ngoài những bộ xương đã khoáng hóa méo mó, nhưng tôi cảm thấy mình nhớ những con khủng long phi điểu – hoài niệm về một thời kỳ mà tôi không bao giờ có thể chứng kiến, khi khủng long thống trị Trái Đất. Nhưng nếu những con khủng long phi điểu sống sót, câu chuyện của chúng ta sẽ bị thay đổi. Hoặc có lẽ bị ngăn lại hoàn toàn. Không chỉ các loài động vật có vú vẫn còn nhỏ bé dưới triều đại bành trướng của khủng long phi điểu, mà những loài linh trưởng sớm nhất, giống như chuột chù có thể đã cạnh tranh gay gắt với các loài thú có túi vượt trội hơn. Tổ tiên của chúng ta sẽ được định hình theo nhiều cách khác nhau, và có khả năng, nếu không nói là chắc chắn, thế giới sẽ chẳng bao giờ phù hợp với một loài vượn hai chân, gần như không có lông với bộ não lớn và có thiên hướng tu sửa hành tinh. Sự tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Phấn Trắng không chỉ là phần kết của câu chuyện về loài khủng long mà còn là một bước ngoặt quan trọng trong câu chuyện của chính chúng ta. Loài người ngày nay sẽ chẳng thể tồn tại nếu không có cú va đập làm xoá sổ của tảng đá vũ trụ đã khoét sâu vào Yucatán cổ đại.
4. Đánh giá sách Những ngày cuối cùng của khủng long: Thiên Thạch, Sự Tuyệt Chủng Và Khởi Đầu Của Thế Giới Chúng Ta
Một cuốn sách hay cho những ai yêu thích khám phá, tìm hiểu về các thời kì và khủng long.
Những Ngày Cuối Cùng Của Khủng Long: Thiên thạch, sự tuyệt chủng và khởi đầu của thế giới chúng ta. Có chút lạ đời khi biết rằng phần lớn kỷ nguyên hiện đại tồn tại nhờ sự tàn phá của đại thảm họa tuyệt chủng Phấn Trắng–Cổ Cận (K–Pg).
Các sự kiện địa chất như thế này đã tạo điều kiện phá hủy hệ sinh thái của Trái Đất trên quy mô lớn về các khía cạnh môi trường thiết yếu như mực nước biển và bầu khí quyển. Những sinh vật không thể thích nghi – nổi bật nhất là các loài khủng long từng thống trị mặt đất trong thời gian dài – đã dần bị đào thải.
Ấy vậy mà thế giới như chúng ta biết ngày hôm nay lại chính là sự nảy nở tiếp sau thảm họa kéo dài, khi mà sự sống không chỉ quay trở lại mà còn được định hình lại bởi chính thảm họa đó. Dưới một góc độ rất chuẩn xác về khoa học nhưng cũng đầy nhân văn, tác giả Riley Black đã tiếp cận đại thảm họa khi xưa như một câu chuyện bi kịch nhưng giàu hy vọng về bản chất mạnh mẽ của sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Tóm tắt & Review sách Những ngày cuối cùng của khủng long – Riley Black
TuClass.com