Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Tóm tắt sách

Tóm tắt sách “Tự Truyện Benjamin Franklin”

Tự Truyện Benjamin Franklin-tuclass

Tự truyện Benjamin Franklin là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, ghi lại cuộc đời và những bài học quý giá của tác giả từ thời kỳ sống ở London cho đến khi trở thành người đại diện bang Pennsylvania. Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách như một thói quen cần có của người thành công và cách mà sách đã hình thành tư duy và phong cách sống của Franklin. Ông cũng chia sẻ bí quyết trở thành nhà ngoại giao xuất sắc, nhấn mạnh vai trò của viết láchkỹ năng biện luận trong sự nghiệp của mình.

Cuộc đời của Benjamin Franklin

Cuốn sách gần như tái hiện toàn bộ cuộc đời của Benjamin Franklin trong suốt hơn 50 năm, từ thời kỳ sinh sống tại London, Anh cho đến khi trở thành người đại diện cho Hội đồng Lập pháp bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Với đức tính khiêm nhường, tác giả không hề phô trương tài năng và những đóng góp của mình đối với Hoa Kỳ trong cuốn tự truyện này. Thay vào đó, ông mang đến cho độc giả những bài học quý giá được đúc kết từ chính trải nghiệm cá nhân.

Sự khiêm nhường và tầm ảnh hưởng

Benjamin Franklin luôn được mọi người yêu quý bởi sự khiêm nhường và uyên bác. Dù chưa từng được xướng tên ở ngôi vị Tổng thống, trong trái tim của người dân Hoa Kỳ, ông mãi xứng đáng có được vị trí quyền lực ấy nhờ tài năng, đức hạnh và những đóng góp vĩ đại cho đất nước.

Ngoài chính trị, ông còn là một nhà khoa học, nhà văn, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội và nhà ngoại giao xuất chúng của thế kỷ 18. Tầm ảnh hưởng của ông đối với Hoa Kỳ lớn lao đến mức khiến người dân tôn vinh ông là vị Tổng thống duy nhất của Mỹ chưa từng đảm nhiệm chức vụ Tổng thống.

Nội dung chính của Tự truyện

Thói quen đọc sách

Nội dung thứ nhất, đọc sách là thói quen cần có của người thành công. Đối với Benjamin Franklin, đọc sách không chỉ là hình thức giải trí, mà còn là phương thức học tập hữu hiệu và xuyên suốt trong cuộc đời. Ông theo học trường lớp chỉ trong vài năm trước khi phải nghỉ học để phụ giúp gia đình kinh doanh nến và xà phòng.

Tuy nhiên, ông không bao giờ từ bỏ việc học, và sách vở chính là nguồn tri thức quý giá giúp ông kiên trì học hỏi. Đối với tác giả, đọc sách không hề là việc nhàm chán và không cần có sự cưỡng ép từ người lớn mà hoàn toàn là niềm yêu thích.

Thế giới màu nhiệm của sách vở trong cái nhìn của Benjamin Franklin chính là một chân trời đầy say mê và hứng thú. Nhiều câu chuyện thú vị, bài học bổ ích, tri thức quý giá của nhân loại đều được gói gọn trong những trang sách.

Tác động của sách đến cuộc đời

Ở cuốn tự truyện của mình, ông bày tỏ: “Từ khi còn nhỏ, ta đã rất thích đọc sách và tất cả những khoản tiền nhỏ mà ta nhận được đều dùng để mua sách.” Những quyển sách đầu tiên mà Benjamin Franklin đọc được, từ Bilgram Progress, All Parents History Collection đến Low Thought Life, Essay on Projects hay Essay to the Good, đều làm thay đổi suy nghĩ của ông và ảnh hưởng đến những sự kiện quan trọng trong cuộc đời.

Năm 16 tuổi, ông tình cờ bắt gặp một cuốn sách giới thiệu về chế độ ăn kiêng bằng rau của tác giả Tryon, và đã quyết định thử chế độ này. Không chỉ tiết kiệm được một khoản tiền để mua sách, ông còn nhận ra rằng việc chuẩn bị cho chế độ ăn kiêng này tiết kiệm thời gian và công sức hơn mình tưởng.

Chỉ cần chuẩn bị một chút bánh bích quy, một mẫu bánh mì hay một nắm nho khô, một chiếc bánh nhân hoa quả đã có thể khiến ông no nê cho bữa trưa, và dành phần thời gian nghỉ trưa còn lại để tiếp tục đọc sách và làm việc.

Kỹ năng biện luận và nghệ thuật tranh luận

Cả cuộc đời thành công của mình, Benjamin Franklin được biết đến với tư cách là nhà ngoại giao có tài năng và sở hữu kỹ năng biện luận xuất chúng. Mọi người thường nghĩ rằng đó là khả năng thiên bẩm mà ông may mắn có được. Trên thực tế, ông đã phải luyện tập và học hỏi rất nhiều. Một trong những quyển sách đã khiến ông thay đổi quan điểm và phong cách tranh luận là cuốn Memorable Things of Sir Grace của Sinophon.

Với nhiều ví dụ về lối tranh luận logic và thuyết phục theo phong cách của Socrates, cuốn sách đã khiến Benjamin Franklin say mê và quyết tâm xây dựng cho mình một nghệ thuật hùng biện và logic như nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Suốt cuộc đời, ông tâm niệm đọc sách là thú tiêu khiển duy nhất mà mình cho phép bản thân.

Lời khuyên về việc đọc sách

Từ cuốn sách này, người đọc nhận ra sự nghiệp lẫy lừng và xuất chúng của Benjamin Franklin không phải do may mắn mà phần lớn đến từ thói quen đọc sách cần mẫn. Thói quen này không chỉ giúp đầu óc con người nhạy bén hơn, mà còn rèn giũa đạo đức, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Từ hình ảnh của Benjamin Franklin, độc giả có thể nhận ra rằng người đọc sách nhiều chưa chắc đã đạt được thành công rực rỡ trong sự nghiệp, nhưng những ai thành đạt chắc chắn đều xây dựng cho mình thói quen đọc sách.

Kỹ năng ngoại giao của Benjamin Franklin

Bí quyết trở thành nhà ngoại giao xuất chúng

Nội dung thứ hai, bí quyết trở thành nhà ngoại giao xuất chúng. Trước khi trở thành một trong những nhà lập quốc vĩ đại của Hoa Kỳ, Benjamin Franklin được lịch sử ghi nhận là một nhà ngoại giao kiệt xuất với trí tuệ uyên bác và phong cách hùng biện lôi cuốn. Để sở hữu khả năng hùng biện xuất sắc, ông đã học hành và rèn luyện không ngừng. Trong quá trình rèn luyện, ông đã đúc kết không ít kinh nghiệm quý báu. Thông qua cuốn tự truyện, ông không ngần ngại chia sẻ các bí quyết đó.

Điều đầu tiên là đọc sách. Theo Benjamin Franklin, chỉ có sách vở mới có thể trang bị cho chúng ta một vốn từ vựng đa dạng và phong phú. Nguồn từ phong phú này là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình tranh luận, giúp ta có được sự lưu loát và lịch lãm trong diễn đạt.

Mặt khác, thông qua việc tìm đọc các đầu sách về nghệ thuật hùng biện và logic, chúng ta có thể chọn lọc và học hỏi một số phong cách ngôn ngữ của các nhà tranh biện xuất sắc để nâng cao năng lực của chính mình.

Kỹ năng viết lách

Điều thứ hai là viết lách. Đây là kỹ năng mà Benjamin Franklin rất mực đề cao và luôn nỗ lực để cải thiện. Thời nhỏ, ông không phải là đứa trẻ giỏi viết lách, bởi theo cha ông nhận xét, lối viết của ông không thể hiện tính hệ thống và sự rõ ràng.

Để thay đổi điều này, Benjamin Franklin đã áp dụng những cách thức luyện tập đặc biệt. Ông sẽ lấy vài mẫu truyện ngắn và biến chúng thành thơ. Sau một thời gian, ông lại viết từ thơ thành văn sau khi đã quên câu từ của những mẫu truyện nguyên bản.

Ông nhận ra rằng, làm thơ đòi hỏi phải sử dụng nhiều từ ngữ với độ dài khác nhau cho cùng một ý chung, nhằm phù hợp với nhịp điệu hay âm thanh. Vì vậy, cách luyện tập chuyển văn thành thơ và ngược lại sẽ giúp ông ghi nhớ từ vựng tốt hơn, sử dụng ngôn từ thành thạo hơn và tạo được nhịp điệu trong lời văn của mình.

Luyện tập kỹ năng biện luận

Điều thứ ba là luyện tập kỹ năng biện luận. Trong cuộc đời của Benjamin Franklin, nghệ thuật hùng biện mà ông sở hữu có được nhờ quá trình luyện tập cùng bạn bè. Ông lập nên hội Junto, một câu lạc bộ tiến bộ, quy tụ những người bạn tốt nhất. Theo quy định của hội, vào mỗi chiều thứ Bảy, các thành viên tham gia phải trình bày một hay hai câu hỏi tham luận về bất kỳ đề tài nào trong đạo đức, chính trị hay khoa học tự nhiên để mọi người thảo luận.

Nhằm tránh sự nhiệt tình quá độ, những ý kiến quả quyết hay mâu thuẫn trực tiếp thường xuất hiện, các buổi tranh luận đều có người chủ trì và diễn ra trong tinh thần theo đuổi sự thật, không nhằm tranh cãi hay mong muốn giành chiến thắng. Nhờ đó, Benjamin Franklin và những người bạn có được kỹ năng phản biện và thảo luận tốt hơn.

Tác giả

Tóm tắt sách khác