Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Tóm tắt sách

Tóm Tắt Sách ”Đúng Việc – Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh”

Cuốn sách “Đúng Việc: Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh” của tác giả Giảng Tư Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm người, làm dân và làm việc. Mỗi người cần trở thành một con người tự do, với phẩm chất tự trọngtôn trọng. Làm dân thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, trong khi làm việc giúp hiện thực hóa lý tưởng và chân dung cá nhân. Tác giả khuyến khích việc trau dồi văn hóa và chuyên môn, đồng thời nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc phát triển năng lực làm người và làm việc.

Thông qua “Đúng Việc,” tác giả Giảng Tư Trung nêu quan điểm rằng khi mỗi người trở thành con người tự do và thực hiện đúng việc của mình ở cả ba khía cạnh: làm người, làm dân và làm việc, họ đã bước đi trên con đường làm chủ chính mình và vận mệnh của quốc gia, dân tộc mình. Ba khía cạnh này hòa quyện tạo nên nhân tính, quốc tính và cá tính của một người trong mối quan hệ tổng hòa với tổ chức, xã hội và quốc gia.

Nội dung thứ nhất: Làm người

Trong cuộc sống, phần lớn chúng ta thường hướng đến những chức danh mà không nhận ra rằng nghề nghiệp duy nhất và quan trọng nhất của mỗi người trong xã hội chính là làm người. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Mục tiêu cao nhất của việc làm người là trở thành một con người tự do.

Con người tự do sở hữu hai phẩm chất: tự trọngtôn trọng. Tự trọng là làm đúng với lương tâm và không thỏa hiệp với những sai trái của cuộc sống, đồng thời tôn trọng tự do và hạnh phúc của người khác. Tính tự do không thể hiện ở việc làm mọi thứ mình muốn bất chấp các quy tắc xử sự chung, mà là hành động theo tiếng gọi bên trong và không bị chi phối bởi các tác nhân bên ngoài.

Để làm người, ta cần có hai năng lực: khai phóngkhai tâm. Năng lực khai phóng là sở hữu một cái đầu sáng để phân định ai là ai, nghĩa là sự khác biệt giữa người này với người khác. Cái gì là cái gì, nghĩa là đâu là phải, trái, đúng, sai, tốt, xấu. Và mình là ai, nghĩa là hiểu mình giỏi cái gì, giỏi đến đâu, đóng góp được gì.

Năng lực khai tâm là khả năng tha thứ và đồng cảm, biết rung cảm trước vẻ đẹp, thổn thức trước nỗi đau và phẫn nộ trước cái ác. Để rèn luyện năng lực khai phóng và khai tâm, ta phải liên tục phản tĩnh, tự soi chiếu lại chính mình và tự phê bình bản thân khi cần thiết.

Nội dung thứ hai: Làm dân

Làm dân chính là hiện thực hóa việc làm người trong đời sống. Làm dân có nghĩa là trở thành một công dân có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, góp phần tạo ra một môi trường văn minh để bảo vệ các quyền tự do của mình và mọi người. Đây là một nghĩa vụ tự thân xuất phát từ trái tim, là sự chia sẻ lương tri, phẩm giá của ta với các mối quan hệ bên ngoài, bao gồm quốc gia, dân tộc và nhân loại trên toàn thế giới.

Để có năng lực làm dân, mỗi người cần tích cực quan tâm và gắn kết mình với các vấn đề chung của xã hội, tìm hiểu những kiến thức cơ bản như hiến pháp, pháp luật, dân chủ để đưa ra những lựa chọn sáng suốt trong việc kiến tạo hệ thống nhà nước và pháp luật.

Chúng ta còn có thể đóng góp bằng cách hiểu đúng, tuân thủ và phát huy các quyền công dân được trao trong các khía cạnh như kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục để đảm bảo sự vận hành hiệu quả và phát triển của cộng đồng quốc gia.

Nội dung thứ ba: Làm việc

Làm việc là hiện thực hóa việc làm người trong công việc. Qua chất lượng công việc và lý tưởng theo đuổi, con người tự khắc họa chân dung của chính mình. Hai câu hỏi quan trọng nhất khi làm việc là: Mình có đang hiểu đúng và làm tốt sứ mệnh của nghề nghiệp không? Việc mình chọn làm có đúng với con người mình không? Để gợi ý câu trả lời, tác giả đã phân tích một số cặp nghề nghiệp đối ngẫu trong đời sống.

Cũng là một công việc nhưng thái độ khác nhau sẽ tạo nên những sắc thái khác nhau: doanh nhân hay trọc phú, công bộc, trí thức hay trí nô, nhà báo hay bồi bút, ca sĩ hay thợ hát. Điểm chung của những người làm đúng việc, dù ở bất kỳ ngành nghề và cấp bậc nào, là sự chuyên nghiệp, chuyên tâm, đạo đức và tấm lòng phục vụ xã hội khi làm việc.

Để làm việc tốt, chúng ta phải không ngừng trau dồi cả về văn hóa và chuyên môn. Nếu có chuyên môn mà không có văn hóa thì thực sự tai hại, nhưng có văn hóa mà chuyên môn không giỏi thì cũng khó có thể trở thành một người tự do. Một khía cạnh mở rộng hơn của làm việc là làm giáo dục. Giáo dục của một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến năng lực làm người, làm dân và làm việc của người dân trong đó. Vì vậy, giáo dục cần được quan tâm đặc biệt và nâng cao chất lượng mỗi ngày.

Ngoài đổi mới về nền tảng giáo dục, tác giả còn nhấn mạnh vai trò của người học. Chúng ta cần giữ thế chủ động trong hành trình làm ra chính mình. Việc cải cách giáo dục có thể tốn nhiều thời gian và nguồn lực, nhưng cuộc cách mạng về sự học của cá nhân có thể diễn ra nhanh chóng chỉ bằng sự chủ động và quyết tâm của chính bản thân mỗi người.

Để kết lại cuốn sách, tác giả Giảng Tư Trung khẳng định rằng việc tìm ra, giữ gìn và sống đúng với những chân lý của riêng mình là vô cùng khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh xã hội hiện tại. Tuy vậy, ông vẫn mong muốn ngày càng có nhiều người trẻ dám nhận phần việc khó khăn ấy về mình, tin tưởng rằng khi nỗ lực làm ra những điều tích cực, bằng lẽ sống đúng đắn và tấm lòng tử tế, chúng ta sẽ đạt được những thành tựu xứng đáng cùng niềm hạnh phúc đích thực và sâu sắc của một người tự do.

Tác giả

Tóm tắt sách khác