Dẫu được tôn vinh vào hàng kinh điển trong dòng sách khoa học viễn tưởng, khoa học lại mờ nhạt đến gần như vắng bóng trong Biên niên ký Sao Hỏa. Sao Hỏa, trong trí tưởng tượng của Bradbury những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi, không có gì giống với hành tinh lạnh lẽo khô khốc chúng ta biết tới ngày nay. Đó là một nơi có bầu khí quyển gần như Trái Đất, sinh sống một giống loài thông minh khá giống loài người. Đó là xứ sở của những rặng núi xanh lam, của những dòng kênh xanh lục, của những cây cột pha lê, của lớp bụi mờ phủ lên những thành phố tráng lệ đã chết. Sao Hỏa của Bradbury là một chốn của hy vọng, của ảo mộng và của ẩn dụ. Chính ở nơi đây, những kẻ xâm lược Trái Đất đã đến, tháo chạy khỏi một thế giới không tương lai đến một miền đất hứa, một giấc mơ Mỹ thứ hai. Người Trái Đất tràn lên Sao Hỏa, để rồi bị chính Sao Hỏa ru ngủ trong những tiện nghi thân quen lọc lừa, rù quến trong ánh hào quang còn sót lại của chủng loài bản địa cổ xưa đầy bí hiểm.
Khi hoài niệm buồn bã, khi le lói hy vọng, lúc hài hước châm chọc, lúc u ám rợn người, và luôn luôn, bằng một văn phong đặc trưng Ray Bradbury - đơn giản mà nên thơ, cuốn tiểu thuyết chắp nối từ những truyện ngắn về Sao Hỏa này khiến ta ngộp thở trước vẻ đẹp của nó và trăn trở trước những vấn đề nó đặt ra về bản chất loài người. Biên niên ký Sao Hỏa, bởi thế, đã vượt khỏi ngăn tủ “sci-fi”, trở thành một trong những tác phẩm văn học kinh điển.