Bộ sách gồm 3 ấn bản hoài cổ của Thu Giang Nguyễn Duy Cần: Cái dũng của Thánh nhân, Một nghệ thuật sống, Thuật xử thế của người xưa.
#1. Cái Dũng Của Thánh Nhân
Quan niệm cái “Dũng” của tác giả Thu Giang không phải là cái dũng cơ bắp, cái dũng sức mạnh hay cái dũng thấy chuyện bất bình giữa đường ra tay nghĩa hiệp. Cái dũng của thánh nhân đề cập ở đây là cái dũng về sự chiến thắng bản thân, chiến thắng sự nhỏ nhen ích kỷ để mong cầu một cái dũng thật sự mạnh mẽ xuất phát từ nội tâm, ái dũng siêu thoát khỏi những ràng buộc yếu hèn với thế giới vật chất. Cái dũng ở đây bàn đến cách ứng xử của con người trong xã hội và các phương pháp tu dưỡng để đạt đến một tinh thần điềm đạm, an nhiên trước mọi hoàn cảnh khó khăn sóng gió của cuộc đời.
Nội dung của nó không chỉ kể về những câu chuyện kể về sự dũng cảm của người xưa mà còn bàn phương pháp cụ thể để rèn luyện đến một tinh thần điềm đạm. Do đó, cuốn cẩm nang này cần được đem ứng dụng vào chính bản thân mỗi người và đời sống hàng ngày.
#2. Thuật Xử Thế Của Người Xưa
Thuật xử thế của người xưa thông qua những điển tích Trung Hoa để rút ra những bài học uyên thâm và đầy ngụ ý, nhằm hướng người đọc đến những giá trị chân thiện mỹ, góp phần giáo dục đạo đức lối sống của thanh niên.
Trong xã hội hiện đại, con người mải mê chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên mất việc tu dưỡng đạo đức, lối sống. Xã hội càng phát triển bao nhiêu thì đạo đức xã hội lại càng băng hoại đi bấy nhiêu. Vì vậy, những câu chuyện trong Thuật xử thế của người xưa tuy đã trải qua hàng vạn năm nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị đức dục. Cuốn sách góp phần định hướng người đọc đến các giá trị chân thiện mỹ trong cuộc sống.
#3. Một Nghệ Thuật Sống
Tác phẩm Một nghệ thuật sống nêu lên những quan niệm về cuộc sống và cách sống: sống là gì, lẽ sống của con người, nhận biết chân giá trị của sự vật, hành động để giải thoát…
Tác giả không tập trung khai thác, phân tích tâm lý con người như những sách nghệ thuật sống, rèn luyện nhân cách phổ biến hiện nay. Ông cũng không lên gân, dạy dỗ phải làm điều này điều nọ để có được hạnh phúc trong cuộc sống. Tác giả hướng người đọc đến việc nhận thức được giá trị sự vật như nó vốn có, hiểu được bản ngã của mình để hành động phù hợp với hoàn cảnh. Để trở nên một con người hoàn tòan, theo tác giả, con người cần phải làm hai điều: cải tạo cá nhân và cải tạo xã hội. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong các chương của cuốn sách.