Các Khái Niệm Chính Trị Của Hannah Arendt
Paolo Flores d’Arcais, trong chuyên khảo La politique, l’existence et la liberté – Hannah Arendt (Chính trị, hiện sinh và tự do – Hannah Arendt), cũng khẳng định chiều kích nhân bản sâu sắc mà Arendt dành cho chính trị. Ông chỉ ra rằng đối với Arendt chính trị không những là mục đích tự thân, nó còn là lĩnh vực của hiện sinh đích thực (existence authentique). Ông có lý khi nhận định như vậy. Với Arendt, nếu thực phẩm đáp ứng nhu cầu tất yếu của đời sống sinh học thì chính trị đáp ứng nhu cầu tất yếu của tồn tại đích thực, tồn tại mang tính người ở mức cao nhất.
Paolo Flores d’Arcais nhấn mạnh, vì quan niệm này mà triết học chính trị của bà thành ra không hợp thời. Dĩ nhiên, giữa cái thời lên ngôi của đủ loại chủ nghĩa toàn trị, giữa lúc chính trị được hình dung như là mưu mô, xảo quyệt và tội ác hủy diệt, mà bà lại cho rằng chính trị gắn với hiện sinh đích thực của con người thì bị xem là không hợp thời cũng chẳng có gì khó hiểu. Và cũng chính với quan niệm này mà Arendt đã "chống lại" Heidegger, vị triết gia đã dạy bà trong một quãng thời gian ngắn ngủi ở đại học Marburg nhưng đã để lại những ảnh hưởng tinh thần sâu sắc và một tình yêu được cho là kéo dài suốt cả đời bà. Bằng các phân tích của mình, Paolo Flores d’Arcais làm sáng tỏ sự đối lập giữa Arendt và Heidegger trong tư tưởng của họ về chính trị. Nếu như với Heidegger, chính trị là lĩnh vực của cái "người ta", nghĩa là thuộc phạm vi của tồn tại không-đích thực, thì với Arendt, chính trị là hình thái hiện sinh đích thực.