Cấu Hình Xã Hội Cộng Đồng Công Giáo Bắc Di Cư Tại Nam Bộ
Sự kiện di cư của những người Công giáo miền Bắc vào miền Nam sau Hiệp định Genève năm 1954 là một sự kiện mà cho đến nay có rất ít công trình khoa học xã hội chú tâm nghiên cứu.
Trong sự kiện lịch sử - xã hội này, có một nét đặc thù mà chắc ai cũng dễ dàng nhận thấy, đó là hiện tượng quá trình di dân diễn ra phần lớn trên quy mô tập trung theo từng làng gốc ở miền Bắc cho tới làng định cư ở miền Nam. Chắc hẳn nét đặc thù mang tính cộng đồng này là một trong những nhân tố sẽ dẫn đến nhiều tính chất đặc trưng về sau này của những cộng đồng Công giáo Bắc di cư trong lòng xã hội miền Nam, xét cả về mặt văn hóa - xã hội lẫn kinh tế - xã hội, mà cho đến nay người ta vẫn chưa nghiên cứu thấu đáo hết các khía cạnh đa dạng.
Công trình nghiên cứu thực hiện theo hướng tiếp cận nhân học của Nguyễn Đức Lộc là một nỗ lực hiếm hoi đáng ghi nhận theo chiều hướng vừa nêu. Công trình này tìm hiểu quá trình định cư và lập nghiệp của những cộng đồng làng xã người Công giáo miền Bắc ở Nam bộ, qua việc khảo sát cụ thể ở Hố Nai và Cái Sắn, xét trên hai phương diện – phương diện cấu trúc cộng đồng làng xã và phương diện ứng xử của cá nhân.