Doanh nghiệp nào cũng có lúc gặp phải những vấn đề không nhất thiết mang tính kỹ thuật, như sự thiếu vắng động lực, hoặc tinh thần tương tác và làm việc nhóm thấp, thậm chí là mâu thuẫn giữa các thành viên, trong đó có cả các lãnh đạo cấp trung và cấp cao. Chẳng công cụ quản lý nào cho phép giải quyết được những vấn đề bắt nguồn từ sự ganh tị, đố kị, thiên vị, hoặc tệ hơn nữa là nạn bè đảng hay tham nhũng nội bộ.
Các mô hình quản lý chỉ mang lý luận kỹ thuật cục bộ hạn hẹp và những giải pháp cấu trúc có sẵn cho doanh nghiệp. Chỉ văn hóa mới có khả năng vào sâu một cách uyển chuyển các vấn đề trong mối quan hệ giữa người với người. Và đây chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải.
Trong tác phẩm mới nhất về văn hóa doanh nghiệp, tác giả Phan Văn Trường phát triển và đi sâu hơn nữa về chủ đề khá trừu tượng này. Vẫn giữ nguyên phong cách tiếp cận dựa trên những câu chuyện từ thực tế trải nghiệm của mình, ông dẫn dắt độc giả trên con đường tìm hiểu vai trò của văn hóa doanh nghiệp, đồng thời đi sâu giải thích ba phong cách văn hóa mà chính ông đã tiên phong áp dụng cho những doanh nghiệp mình từng tham gia quản trị.