Giáo Dục Mới Tại Việt Nam Thập Niên 1940
Chúng ta ngỡ những tư tưởng và việc thực hành giáo dục theo phương pháp Giáo dục Mới (Progressive Education hay Éducation Nouvelle) chỉ mới du nhập vào Việt Nam cùng quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế văn hóa. Nhưng thực ra, Giáo dục Mới dành cho trẻ em Việt đã từng có mặt ở đất nước chúng ta cách đây hơn 70 năm bằng tinh thần canh tân của một nhóm trí thức xuất thân từ phong trào hướng đạo.
Những nhà tiên phong đó, xuất thân từ nhiều giai tầng, thành phần khác nhau trong xã hội, trí thức, doanh nhân, người thực hành giáo dục, giáo viên,… với tinh thần “tự lực khai hóa”, tự mình nhận lấy trách nhiệm trong cuộc canh tân văn hóa – giáo dục của đất nước vào thập niên 1940, khi khát vọng độc lập của người Việt Nam đang dâng cao.
Một ngách nhỏ của dòng chảy giáo dục mầm non Việt Nam trong quá khứ được tác giả Nguyễn Thụy Phương thuật lại công phu, kỹ lưỡng và đầy cảm hứng.
Qua những khám phá đáng ngạc nhiên, cuốn du khảo vi-lịch-sử này gửi đến hiện tại và tương lai một gợi mở đầy nhân văn, một câu hỏi lớn về trách nhiệm và sự nghiêm túc dành cho những vườn ươm con người trong bối cảnh mới.