Kieran Egan là một nhà triết học giáo dục người Ireland. Ông viết về các vấn đề trong giáo dục và sự phát triển của trẻ em.
Kiran Egan đã nêu ra vấn đề nhức nhối trong giáo dục hiện nay: Những người trẻ mang trong mình sự thiếu hiểu biết trầm trọng về thế giới xung quanh, mặc dù nhà trường không ngừng mở rộng khối lượng kiến thức truyền đạt đến học sinh. Học sinh dường như vứt bỏ, quên đi hết kiến thức mình đã học được ngay khi kì kiểm tra cuối kì kết thúc. Theo Kieran Egan, nguyên nhân nằm ở chỗ kiến thức được dạy quá dàn trải mà thiếu đi trọng tâm. Vì vậy, ông đề ra chương trình Học sâu.
Có thể tóm tắt chương trình Học sâu như sau:
- Trẻ em được phân công ngẫu nhiên trong những ngày đầu đến trường một đề tài cụ thể để tìm hiểu nghiên cứu trong suốt 12 năm học phổ thông, ngoài chương trình học thông thường. Đề tài có thể là: táo, bụi, đường sắt, lá cây, tàu thủy, mèo, gia vị, Học sinh sẽ gặp giáo viên giám sát thường xuyên để được giúp đỡ. Nhiệm vụ của chúng là xây dựng một tập hồ sơ cá nhân về đề tài. Mục đích của chương trình là để đến cuối học trình, học sinh sẽ có được sự tinh thông thực sự về đề tài gần với một chuyên gia.
- Việc học có hai tiêu chí: chiều rộng và chiều sâu. Nếu như chỉ học về chiều rộng, ta sẽ luôn phải dựa vào sự tinh thông của người khác. Học sâu giúp ta phát triển sự tinh thông của chính mình bằng cách nắm bắt được một điều gì đó từ bên trong. Không chỉ như một phương pháp học kiến thức, Học sâu còn giúp rèn luyện học sinh trở thành con người có chiều sâu, khiêm tốn, trọng sự thật và có khả năng đắm chìm vào một điều gì đó bên ngoài bản thân.
Tuy chỉ mới nằm trong quá trình thử nghiệm, dự án Học Sâu của ông dù gặp không ít ý kiến cho rằng là quá lý tưởng hóa và khó thực thi nhưng nhiều gợi ý của Egan trong cuốn sách này là rất đáng suy ngẫm. Chương trình Học sâu đề xuất một cải tiến nhỏ nhưng có thể đem lại sự thay đổi lớn trong quan niệm và thái độ học tập của học sinh.