Nghệ Thuật Chiêm Ngưỡng
Có thể nói, nghệ thuật là sự mô phỏng. Sự mô phỏng ấy có thể mang tính trực quan hoặc trừu tượng. Một tác phẩm có thể chỉ là vật dụng có sẵn hay là bức tranh với những mảng màu và đường nét theo bố cục không dễ đoán định và cảm nhận. Và khi bàn tới nghệ thuật, sự kiến giải cái “đẹp” luôn tiêu tốn nhiều giấy mực và gần như không có hồi kết.
Sự mô phỏng ấy, cụ thể là các tác phẩm nghệ thuật, luôn phản ánh quan điểm, triết lý, tư tưởng chiếm ưu thế của mỗi thời kỳ. Như thế, chứa đựng trong mỗi tác phẩm - đối tượng của cảm thụ nghệ thuật, là những khái niệm chi phối toàn bộ đời sống con người. Theo đó, để cảm thụ trọn vẹn được cái đẹp ở mỗi tác phẩm nghệ thuật, ngoài cảm nhận đơn thuần về mặt thị giác, người xem cần có được một nền tảng thẩm mỹ nhất định. Và trong cuốn sách “Nghệ thuật Chiêm ngưỡng”, nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng Lance Esplund phần nào giúp độc giả thấy rằng, các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại không khó tiếp cận như nhiều người vẫn nghĩ. Với sự kiên nhẫn, cái nhìn sâu sắc và sự hóm hỉnh, Esplund đưa những ai đọc cuốn sách này với thái độ nghiêm túc đi xuyên suốt thế kỷ nghệ thuật đã qua, và đem tới cho họ cách tiếp cận và đánh giá theo một cách nhìn mới lạ. Với mong muốn có ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến những thể loại vốn bị xem là kén người thưởng thức, Esplund khuyến khích người xem tin tưởng vào sở thích, bản lĩnh và quan điểm của mình. Ở chừng mực nào đó, Esplund góp phần khai thị cho những ai cho rằng nghệ thuật quá khứ chẳng còn có mối liên hệ nào với hiện tại, hay những ai cho rằng nghệ thuật đương đại ngày càng trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa và không liên quan tới đời sống.
Những ai đặt câu hỏi như “Rút cục, cái đẹp của tác phẩm này nằm ở đâu?” hay “Nếu nghệ thuật đơn giản như vậy thì ai chẳng làm được” hoặc “Thế mà là nghệ thuật ư?” phần nào sẽ có lời giải đáp cho bản thân sau khi đọc xong cuốn sách này.
Dịch giả Quách Đình Đạt