Paul Cézanne
Liệu có người yêu nghệ thuật nào thoạt nhìn không thể nhận ra tranh của Paul Cézanne? Loạt tranh tĩnh vật nổi tiếng với táo và cam, những người đi tắm hoặc quang cảnh núi Sainte-Victoire... không chỉ ghi dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật thế kỷ XIX mà còn tiếp tục mê hoặc những du khách hiện đại đến các bảo tàng trên thế giới.
Tự gọi mình là “con người sơ khai của nghệ thuật mới”, Paul Cézanne đã gia nhập đội ngũ những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất, vượt ra ngoài khuôn khổ các lý thuyết của trường phái Ấn tượng. Các nhà sử học nghệ thuật thậm chí còn coi ông là một trong những cha đẻ của nghệ thuật hiện đại. Một sức mạnh chân chính, một chất trữ tình Địa Trung Hải, một kỷ luật nghiêm khắc, một sự thanh lịch kín đáo, một ý chí sáng tạo bậc thầy, tất cả đều được thể hiện và phân tích trong cuốn sách chứa một lượng phong phú các kiệt tác này.
Tác phẩm nằm trong bộ sách các danh họa, thuộc Tủ sách Nghệ thuật của Omega+.
Trích đoạn hay:
- Họa sĩ Émile Bernard đã nói hộ chúng ta những đánh giá rất sâu sắc về đóng góp thật sự của Cézanne: “Paul Cézanne
nhìn nhận sự vật không phải như chúng tồn tại mà là qua mối quan hệ trực tiếp của sự vật với hội họa, nghĩa là với sự thể hiện cụ thể vẻ đẹp của chúng. Ông là một người trầm tư, ông
có cách nhìn thẩm mỹ chứ không phải khách quan; ông thể hiện bằng sự nhạy cảm, tức là dùng bản năng và tình cảm để nhìn nhận các mối quan hệ và về sự hòa hợp”. (tr.40) - Ngày 8 tháng 9 năm 1906, một tháng trước khi mất, trong bức thư gửi con trai, Paul Cézanne một lần nữa đưa ra lời khuyên ý nghĩa về niềm tin và sự khiêm nhường: “Ta không diễn tả được hết cảm xúc mãnh liệt đang phát triển bên trong mình, ta không thể hiện được hết những màu sắc phong phú và sinh động tuyệt vời của thiên nhiên. Ở đây, bên bờ sông, các motif được nhân lên, cùng một đối tượng nhưng được đặt dưới góc nhìn khác sẽ cho ra những chủ đề vô cùng thú vị và đa dạng đến mức ta tin là mình có thể vẽ trong nhiều tháng trời mà không cần phải đổi vị trí”. (tr.40)
- Cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của Cézanne ở Paris được Ambroise Vollard tổ chức vào năm 1895. Khi ấy, nhà bán tranh trẻ mới chỉ 27 tuổi, còn họa sĩ thì đã 56! Triển lãm trưng bày cho công chúng 150 tác phẩm: mọi người vẫn chưa
thể nhất trí hoàn toàn, nhưng giờ đây, Paul Cézanne đã nổi danh trong giới hội họa, và cuối cùng thì bậc thầy về già cũng bắt đầu thu được những giá trị nhất định về mặt thương mại. (tr.31) - Như nhiều nghệ sĩ khác, Paul Cézanne nghiên cứu rất kỹ gương mặt của chính mình. Bằng cách vẽ chì và vẽ màu, ông cho ra đời rất nhiều tranh tự họa từ những năm tháng
khởi đầu sự nghiệp cho đến những năm tháng cuối đời. Không dễ dãi mà cũng không hà khắc, ông kiên nhẫn kiểm chứng hiệu ứng ánh sáng và hình khối được tái tạo chỉ bằng sự kỳ diệu của màu sắc không bị ảnh hưởng trước dòng chảy của thời gian. Thường bắt đầu bằng những phác thảo nhanh chóng, những bức chân dung tự họa của ông cho phép chúng ta không chỉ theo dõi được những giai đoạn lớn trong hành trình của họa sĩ mà còn xác thực được tính liên tục trong những cảm quan sâu sắc nhất của ông. (tr.44) - Dù tranh chân dung và tranh phong cảnh của ông rất nổi tiếng, thế nhưng chính những bức tranh tĩnh vật lại khiến công chúng đời sau ca ngợi như đóng góp độc đáo nhất
của Paul Cézanne. [Tranh tĩnh vật của ông được biết đến rộng rãi] [đ]ến mức đối với công chúng, “quả táo của Cézanne”1 thường được xem là chữ ký mang tính biểu tượng của ông. (tr.74) - Trong suốt sự nghiệp sáng tác của Paul Cézanne, tranh phong cảnh giống như một cuộc truy vấn kéo dài. Ông kiên nhẫn quan sát thiên nhiên, và đặc biệt chú trọng đến những bí mật bị vẻ bề ngoài che khuất, nhưng không phải vì thế mà bỏ qua chính vẻ bề ngoài này. Không để bản thân bị cám dỗ trước việc vẽ những cảnh đẹp bắt mắt quen thuộc hay vẽ theo lối kể chuyện, thậm chí là vẽ theo lối ngoại lai, bậc thầy người Aix đã cố gắng chỉ ra rằng, trong việc vẽ phong cảnh, họa sĩ phải đồng thời trung thành với hai chân lý, đó là chân lý của thiên nhiên và chân lý của hội họa. (tr.82)
- Không giống như Paul Gauguin, Vincent Van Gogh, Henri Matisse, những người đi tìm những bài học về ánh sáng tuyệt vời của Provence vào thời kỳ viên mãn của họ,
Cézanne đã được thấm nhuần thứ ánh sáng đó từ khi còn nhỏ. Một ánh sáng đặc biệt vừa làm nổi bật các đường viền, vừa khiến các màu sắc trở nên sống động và làm cho các hình khối rung lên. Một lần nữa, với khả năng dự báo và thiên cảm, chính ở trên bờ biển Địa Trung Hải của ngôi làng Estaque, cái nôi tương lai của trường phái Lập thể đang được ấp ủ, bậc thầy xứ Aix đã đặt giá vẽ xuống để quan sát sự gặp gỡ của đất, biển và trời, những tấm gương riêng biệt phản ánh sự rạng rỡ của thiên nhiên. (tr.94)
Câu Quote hay:
- Quả là lịch sử – và không chỉ riêng lịch sử nghệ thuật – chỉ tiến triển bằng những bước đi khó ngờ mà nguồn gốc của chúng về sau mới được khám phá. (tr.22)
- Đây là bằng chứng cho thấy đối với kẻ cô đơn cùng cực này, tình bạn chưa bao giờ là hai chữ vô nghĩa, rằng câu chuyện về
mối quan hệ phức tạp giữa hai tư tưởng lớn này, cả hai đều lưu danh hậu thế, sẽ luôn có những vùng tối mãi mãi không thể chạm tới. (tr.27) – về tình bạn của Cézanne với nhà văn Zola. - “Nghệ thuật là sự hài hòa song hành cùng thiên nhiên. Chẳng hiểu những kẻ ngốc nghếch nghĩ gì khi nói với các anh: hội họa luôn thấp kém hơn thiên nhiên! [Với tôi,] hội họa luôn song hành với thiên nhiên”. (tr.29) – Cézanne nói với Joachim Gasquet
- “Toàn bộ ý nguyện của người họa sĩ phải im tiếng. Anh ta phải dập tắt tiếng nói của đinh kiến trong anh, phải quên, quên hết đi, phải im lặng, phải là một tiếng vọng hoàn hảo. Và rồi, trên cái nền nhạy cảm đó, cảnh vật sẽ được vẽ nên” (tr. 30) - Cézanne nói với Joachim Gasquet
- Cho đến buổi hoàng hôn của cuộc đời, Cézanne vẫn không hề từ bỏ những tham vọng lớn lao của mình, mặc cho người đời chế nhạo hay hoài nghi. […] “Chân lý nằm ở thiên nhiên, tôi sẽ chứng minh điều đó”. (tr.30)
- “Suốt đời, tôi đã làm việc để kiếm tiền, nhưng tôi tin người
ta có thể vẽ tranh mà không khiến người khác đến tập trung đến cuộc sống riêng tư của mình”. (tr.32) - “[…] họa sĩ phải toàn tâm toàn lực với việc nghiên cứu thiên nhiên, và cố gắng vẽ những bức tranh sao cho chúng trở thành một bài học quý giá còn những lời bàn tán về nghệ thuật thì gần như vô bổ. Lao động nghệ thuật giúp nghệ sĩ tiến bộ trong chính nghề nghiệp của mình đủ để bù đắp cho chuyện những kẻ ngu ngốc không hiểu được anh ta”.
- “Nếu như nhà văn dùng những ý tưởng trừu tượng thì họa sĩ
dùng cọ vẽ và màu sắc để cụ thể hóa những cảm giác và cảm nhận của mình”. (tr.37) - Thành công tuyệt đối về mặt thị giác của bộ tranh vẽ núi Sainte-Victoire không chỉ bảo đảm chắc chắn cho việc Cézanne được lưu danh hậu thế; nó còn là bằng chứng cho
thấy sức gợi của hội họa vượt qua cả thực tế được nắm bắt bằng đôi mắt nghệ sĩ, và theo hướng đó, mở đường cho hai cuộc cách mạng tạo hình lớn nhất thế kỷ XX, trường phái Lập
thể và trường phái Trừu tượng. (tr.37) - Bởi vì – và thậm chí có lẽ là trên hết – khi vẽ hình ảnh của chính mình, Cézanne không bao giờ nhượng bộ trước cám dỗ của việc bắt chước. (tr.44)
- Sống ở một trong những thế kỷ phong phú nhất của toàn bộ lịch sử hội họa, vị trí của Paul Cézanne chưa bao giờ được xác định một cách dễ dàng. (tr. 48)
- Khó khăn trong việc tìm người mẫu vẫn là lời giải thích hợp lý
nhất cho việc Cézanne có rất ít tranh chân dung vẽ phụ nữ. (tr.62)
Về tác giả:
GÉRARD DENIZEAU (25/10/1953)
Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nhà âm nhạc và cây viết người Pháp với rất nhiều tác phẩm thuộc đủ thể loại: tiểu thuyết, thơ ca, báo chí, sách về mỹ thuật và âm nhạc.
Ông từng làm giáo viên trung học (từ năm 1978 tại Lons-le-Saunier), giảng viên tại Đại học Lorraine (từ năm 1984), giảng viên âm nhạc tại Đại học Paris 4 (từ năm 1992) và tại Trung tâm Đào tạo Nghệ thuật cao cấp CRR-Paris 4 (từ năm 2004).
Gérard Denizeau đã dành nhiều năm trong sự nghiệp viết lách để cống hiến cho sự bảo tồn những di sản quý báu của nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung.