Nếu muốn chính mình hạnh phúc, hãy thực hành từ bi
Nghiên cứu mới nhất trong khoa học thần kinh cho thấy rằng khi lòng từ bi có ở trong tâm trí chúng ta, nhiệt thành quan tâm về hạnh phúc, sự đau khổ, nỗi buồn của người khác, tinh thần cũng tăng một cách đáng kể. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy những xúc cảm tích cực biểu hiện qua cảm xúc, sự nhiệt tình, lòng từ bi đang chảy trong người.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng từ bi chân chính không dựa trên những phóng chiếu và kì vọng của chúng ta mà dựa trên quyền lợi của người khác: bất kể người khác ấy là bạn thân hay kẻ thù, miễn rằng người ấy có ước vọng bình an và hạnh phúc cũng như ước vọng vượt thoát khổ đau, thì trên nền tảng đó chúng ta đều sẽ bày tỏ một sự quan tâm chân thành đối với các vấn đề của người ấy. Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thực hành từ bi. Vì thế Ngài đã nói rằng: “Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thực hành từ bi, nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy thực hành từ bi”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng mục đích của chúng ta trong cuộc đời này là hạnh phúc. Sau nhiều năm kiên trì, Ngài đạt tới một lãnh ngộ thâm sâu về lòng từ bi vào năm Ngài 32 tuổi. “Kể từ đó, tâm trí tôi trở nên thân thuộc với cảm xúc từ bi. Cảm xúc ấy rất mãnh liệt. Mỗi lần quán chiếu ý nghĩa và lợi lạc của tâm vị tha, tôi thường ứa lệ”. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đạt được một sự thấu triệt then chốt: bằng cách vun trồng lòng từ bi, chúng ta có được hạnh phúc tối thượng cho bản thân. Ngài gọi điều này là “vị kỷ thông tuệ”. “Giúp đỡ người khác không có nghĩa là chúng ta phải giúp họ mà bất chấp điều đó tổn hại đến chính mình”, Ngài nói: “Chư Phật và những bậc giác ngộ khác rất thông tuệ. Họ chỉ muốn một điều duy nhất suốt đời mình: có được hạnh phúc tối thượng. Vậy ta phải làm điều này bằng cách nào?
Đó là bản thân trở nên vị tha, làm những điều tốt đẹp, khi biết giúp đỡ san sẻ niềm vui hay những gì mình học hỏi bản thân đạt được, hiểu biết cho người khác, chính chúng ta là người đầu tiên lợi lạc – chúng ta sẽ là người đầu tiên có được hạnh phúc tối đa. Để biết rằng, đôi khi giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính bản thân mình, đó chính là trí huệ thực thụ”.
Trí tuệ của sự từ bi - Sự từ bi sẽ dẫn đến sự an lạc
Quyền sách Trí Tuệ Của Sự Từ Bi mang đến dòng suy nghĩ, rèn luyện con người có lòng từ bi khi quan tâm kiên định giúp đỡ bất kể một ai sẽ đem đến chúng ta những điều lành, tốt đẹp. Đây là một cuốn sách về trí tuệ của lòng từ bi, về việc kiên định quan tâm tới người khác có thể dẫn lối chúng ta đến nguồn an lạc sâu xa ngần nào. Ấy là một cái nhìn sau bức màn nhung để hiểu được cách thức khó lòng bắt chước mà Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận thức, biểu lộ và rèn luyện lòng từ bi.
Ba phần của cuốn sách này phản ánh ý niệm về từ bi trong tư duy (Vượt thắng nghịch cảnh), lời nói (Tu dưỡng tâm), và hành động (Từ bi trong hành động).
Phần Vượt thắng nghịch cảnh tái hiện lại các cuộc trò chuyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma với các trẻ em đau bệnh, cựu tù, và nạn nhân của cuộc xung đột Bắc Ai-len. Ngài lắng nghe những trải nghiệm đau buồn của họ và giải thích rằng việc có một cái nhìn rộng mở có thể giúp chúng ta ứng phó với các thử thách.
Thực hành từ bi không chỉ dừng ở chỗ chúng ta nghĩ về những ý nghĩ quan tâm. Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyến khích chúng ta học hỏi một cách toàn diện – không chỉ cố gắng đạt thành tích học tập xuất sắc ở trường lớp, mà còn cần kết hợp với những giá trị của sự cảm thông và lòng vị tha. Trong phần Tu dưỡng tâm, Ngài trò chuyện với các học sinh trung học và chia sẻ những ý nghĩ của Ngài về cách chúng ta có thể chăm bón hạt giống từ bi suốt đời mình. Ngài gợi ý rằng nguyên do của phần lớn các vấn đề không nằm ở bên ngoài mà nằm bên trong chính tâm chúng ta. Giận dữ, chấp trước và vô minh là những nguồn cơn thực sự gây nên bất hạnh mà chúng ta phải chịu đựng.