Tư Duy Biện Luận - Nghĩ Hay Hơn Hay Nghĩ
Chắc hẳn nhiều người khi thấy tiêu đề “Critical thinking” sẽ thắc mắc tại sao không phải là “Tư duy phản biện” mà là “Tư duy biện luận”? Xét về ngữ nghĩa, từ “phản biện” mang nghĩa xét lại, phản đối một quan điểm, một ý kiến nào đó. Còn khái niệm “biện luận” ở đây được dùng mang hàm nghĩa rộng hơn, có tính xây dựng và sáng tạo hơn, bao hàm các bước thu thập, phân tích, đánh giá dựa trên sự cân nhắc nhiều khả năng.
Cách chúng ta nghĩ có ảnh hưởng và quyết định đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt trong thời nay, con người bị bủa vây bởi rất nhiều áp lực và thông tin đa chiều, do đó cần có phương pháp rèn luyện, làm chủ kỹ năng tư duy để học tập và làm việc hiệu quả. Cuốn sách Tư duy biện luận – Nghĩ hay hơn hay nghĩ do tác giả Đỗ Thị Diệu Ngọc và Nguyễn Huy Cường – hai giảng viên ngành Ngôn ngữ Anh biên soạn nhằm mục đích này.
Những nội dung trình bày trong cuốn sách sẽ đưa bạn đi từ những khái niệm cơ bản nhất, khám phá dòng chảy tư duy từ cổ đại với tam đại triết gia Plato, Socrates, Aristotle đến hiện đại với “bậc thầy của tư duy sáng tạo” – Bono, sau đó tìm hiểu những yếu tố căn bản của lập luận và những lỗi ngụy biện phổ biến. Và “tri thức chưa có sức mạnh chừng nào còn chưa được áp dụng” – Dale Carnegie, phần quan trọng của cuốn sách là hướng dẫn bạn phương pháp rèn luyện tư duy qua những tình huống đa dạng, sinh động trong đời sống. Phong cách viết gần gũi, sinh động, gợi mở, cuốn sách phù hợp với mọi đối tượng độc giả, đặc biệt học sinh, sinh viên.
+TRÍCH ĐOẠN:
“Quá trình hình thành kỹ năng tư duy biện luận cũng như ghép một bức tranh vậy. Nó phải được xây dựng từ những yếu tô căn bản cấu thành nên một lập luận – thành phần cốt lõi của quá trình tư duy. Nếu những yếu tố căn bản này không được kết hợp đúng và đủ, những kẽ hở sẽ xuất hiện tạo nên những lập luận sai lầm hoặc yếu kém. Bạn không thể xây một công trình đồ sộ, trong ngữ cảnh này là kỹ năng tư duy sắc bén, từ một nền móng thiếu vững chắc như vậy.”