Đối thoại cùng con là một nhu cầu đồng thời là trách nhiệm của mẹ cha. Nói dễ, khuyên dễ nhưng để làm được vô cùng khó. Ai trong chúng ta chưa từng cảm thấy, rằng trong gia đình, sao đôi khi nói thành lời những yêu thương chất chứa trong lòng khó thế. Chưa nói đến trong quan hệ cha mẹ và con cái, đôi khi chiếm phần lớn cuộc đối thoại là những lời khuyên răn. Dễ nhất trên đời là cho ai đó lời khuyên. Nhưng khó nhất trên đời là khi phải cho con cái lời khuyên nhủ.
Nhất là khi con trẻ ngày một lớn lên. Trẻ lớn lên, hình thành tính cách, ngày một độc lập hơn, tự chủ hơn mang đến niềm vui và cả nỗi buồn lo cho cha mẹ. Vui vì không còn thấy hoài phí nữa khi năm tháng đi qua, thời gian mất đi của mình đã vào trong tuổi lớn lên của con. Buồn lo vì nhiều bận cảm thấy như con trẻ ngày một rời xa vòng tay mình. Những điều con vui, những say mê con theo đuổi, ngày qua ngày, tưởng như mẹ cha không còn hiểu được.
Người cha trong tập thơ này đã chọn một cách riêng để “đối thoại với con”. Anh vừa tìm cách nán đợi con lớn lên, trưởng thành để dần hiểu những nan đề của cuộc sống, vừa như thủ thỉ ru chính mình, học cách làm bố, học cách làm bạn với con. Viết cho con nhưng cũng là viết cho mình. Có lẽ vì thế mà cuộc đối thoại giữa những hàng chữ rất sâu đằm, mộc mạc chân thật. Đây là những bài thơ, nhưng cũng là những dòng tâm sự được viết ra mỗi sáng đầu ngày, mỗi tối bên bàn học, hay trước giờ đi ngủ. Ngắn dài không câu nệ, ý tứ không nhất định phải quá tỉa tót trau chuốt. Tất cả tươi rói tình cha con, hồn nhiên hóm hỉnh nối sợi dây kết chặt tình thân gia đình.
Chính vì thế mà không chỉ các bố, các mẹ, ngay cả độc giả trẻ cũng cảm thấy được chia sẻ, được nói chuyện, được cảm thấy yêu thương dâng tràn khi nhẩn nha đọc và lắng nghe thanh âm cất lên giữa những dòng chữ giản dị.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!