Tóm tắt & Review sách Đừng phí hoài tuổi trẻ – Nguyễn Anh Dũng
1. Giới thiệu tác giả
Nguyễn Anh Dũng – Sáng lập Shooks – Ông bầu sách.
(Cố vấn tác giả – Tư vấn xuất bản sách số 1 Việt Nam)
2. Giới thiệu tác phẩm
Đừng Phí Hoài Tuổi Trẻ, mới mùa xuân chớp mắt một cái đã sang đông, tuổi trẻ cũng vậy, chớp mắt một cái đã đi đến tuổi già. Cho nên chúng ta phải sống làm sao cho thật sự hữu ích, khi còn tồn tại có thể người khác sẽ không biết bạn là ai nhưng khi chết đi hãy để mọi người biết đến bạn, để nhận thấy rằng sự tồn tại của bạn trên cõi đời này không còn là vô ích.
3. Tóm tắt nội dung sách Đừng phí hoài tuổi trẻ
Suy nghĩ trong tiềm thức
Bạn có biết về luật hấp dẫn ước mơ không? À không phải là luật hấp dẫn vũ trụ khó hiểu mà bạn đang nghĩ đâu. Đó là ước mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực theo cách nghĩ của bạn. Ước mơ của bạn càng lớn, thế giới xung quanh sẽ bị hấp dẫn càng mạnh để biến hóa ước mơ của bạn đúng như những gì bạn mong ước.
Cách sử dụng luật này cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn cần tìm ra thứ bạn ao ước, phải thật rõ ràng để vũ trụ biết rõ chính xác, nếu chính bản thân bạn vẫn không hiểu rõ mình muốn gì thì vũ trụ có vận dụng hết tần số cũng không thể cảm nhận được điều bạn mong muốn. Kết quả là điều bạn muốn không thể trở thành sự thật.
Bước thứ hai, bạn gửi tín hiệu cho vũ trụ bằng cách nghĩ về chúng, mường tượng ra cảnh bạn đã đạt được điều đó trong tương lai. Tâm trí bạn không ngừng suy nghĩ về chúng. Và cuối cùng là bạn đón nhận, nghĩa là bạn hình dung điều đó đến với bạn tuyệt vời như thế nào. Việc cảm nhận những điều tốt đẹp tạo nên tần sóng để mang điều đó đến với bạn nhanh hơn.
Nói theo một cách mà bản thân tôi dễ hiểu nhất chính là suy nghĩ. Thời sinh viên, tôi có quen một cậu bạn cùng lớp, tôi hỏi: “Sau khi ra trường cậu định làm nghề đúng như ngành mình học hay trái ngành?” Cậu ấy lắc đầu trả lời: “Mình còn không biết ước mơ của mình là gì thì làm sao có thể nói cho cậu biết trái ngành hay đúng ngành.”
Nhưng đến thời gian thực tập cậu ấy đột nhiên nói với tôi ước mơ của cậu ấy là được trở thành nhà văn cho dù nghề viết văn không kiếm được nhiều tiền. Tôi nói với cậu ấy rằng theo đuổi ước mơ là một hành trình ngoằn ngoèo vô cùng khó khăn. Cậu ấy mỉm cười gật đầu.
Thời gian ấy chúng tôi vẫn còn gặp gỡ thường xuyên, tôi hỏi cậu ấy: “Dạo này vẫn ổn chứ?” Cậu ấy vui vẻ kể cho tôi nghe sự vất vả và khó khăn mà cậu ấy gặp phải trong quá trình theo đuổi ước mơ, cậu ấy phải làm nhiều việc tay chân khác nhau, phải giấu diếm với gia đình, phải chịu áp lực từ bạn bè. Tôi đã đoán trước được những điều ấy cho nên cũng không bất ngờ gì mấy, tôi nói: “’Đó là những chuyện không vui, tại sao khi nhắc đến lại không buồn chút nào mà còn vui vẻ như vậy?” Cậu ấy nói: “Bởi vì mình đã biết được cảm giác không như ý nguyện trong cuộc sống, đó sẽ là những kinh nghiệm cho việc phân tích các nhân vật trong các câu chuyện của mình.”
Tôi nghe cậu ấy kể một cách khó hiểu nhưng không suy nghĩ nhiều.
Sau khoảng gần hai năm gặp lại, vẫn là câu hỏi cũ tôi hỏi cậu ấy: “Dạo này vẫn ổn chứ?” Cậu ấy hạnh phúc nói với tôi rằng cậu ấy đã trở thành một nhà văn mạng, đang trên con đường trở thành một nhà văn chân chính.
Tôi lại hỏi: “Cậu làm thế nào để đạt được ước mơ của mình?” Cậu ấy suy nghĩ một chút rồi trả lời tôi: “Suy nghĩ.” Tôi không hiểu lắm, cậu ấy giải thích cho tôi hiểu trong suốt hai năm qua, không một ngày nào cậu ấy không nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn.
Mỗi buổi sớm thức dậy, động lực để tiếp tục cuộc sống chính là luôn nghĩ một ngày nào đó chính mình sẽ được cầm bút cả ngày mà không phải làm một công việc tạm bợ. Những lúc tủi hổ trong công việc, động lực để tiếp tục tồn tại chính là vào một ngày trong tương lai nhất định sẽ được cầm bút cả đời.
Buổi tối khi nhắm mắt ngủ, cậu ấy suy nghĩ lại những công việc mình đang làm là vô nghĩa, cậu ấy cảm thấy hoảng sợ và khi nghĩ đến tương lai cậu ấy trở thành một nhà văn thì cậu ấy bình tâm trở lại.
Suy nghĩ về ước mơ, về thành công là một thói quen thúc đẩy đến hành động để làm nên những điều ta muốn. Tài sản quý giá nhất của tuổi trẻ chúng ta chẳng gì ngoài hoài bão, lý tưởng, khát vọng. Nếu không nhân cơ hội ngay lúc chúng ta còn trẻ mà không suy nghĩ đến những điều lớn lao, những điều tưởng chừng như không thể thì chúng ta thật sự có lỗi với cuộc sống và phí phạm thời gian.
Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi chính tâm trí của chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta nghĩ.
(Đức Phật)
Hiểu biết không bao giờ là đủ
Có một đứa trẻ nọ chăm chỉ đọc sách nhưng đa phần mỗi lần gấp sách lại đều không hiểu hoặc quên sạch đi. Đứa trẻ thắc mắc không biết phải làm sao, bèn đi hỏi ông mình. Người ông nghe cháu nói bèn lấy chiếc rổ vốn dùng để đựng than trong bếp bảo cháu ra ao múc nước mang về nhà.
Đứa trẻ làm theo lời ông dặn mặc dù biết rằng rổ làm sao có thể đựng được nước. Kết quả giống như đứa trẻ nghĩ, trên đường trở về nhà nước chảy lênh láng khắp cả hai bên mặt đường, không còn một giọt nước nào để mang về nhà. Cậu bé lại tiếp tục đi hỏi người ông.
Người ông lúc đó mới cười, bảo đứa trẻ quay lại nhìn xem chiếc rổ và con đường như thế nào. Đến đầu lúc này đứa trẻ mới nhận ra rằng, chiếc rổ hiện tại đã sạch sẽ không còn dính chút bụi than. Và con đường hai bên cỏ hoa được tưới nước xanh mượt.
Đứa trẻ tưởng răng đựng nước bằng rổ là vô nghĩa nhưng trong những cái chẳng có ý nghĩa ấy lại là những hành động rất có hàm ý.
Câu chuyện dùng xô đựng nước, mới nghe có vẻ vô dụng nhưng hành động này lại ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh sâu xa. Chỉ cần trong lòng luôn mong thì nhìn đâu ta cũng có thể thu được đạo lý.
Giống như con người ta đọc sách cũng vậy, đọc sách có thể không hiểu, không nhớ được hiện tại nhưng trong tương lai nhất định sẽ có những kết quả ngoài mong muốn mà mình tưởng tượng. Tri thức cho bạn một sự minh mẫn sáng suốt hơn để quyết định trong. Tất cả mọi việc như nước đã tẩy rửa đi cái rổ đầy than ấy, tâm hồn cũng trở nên tràn đầy sức sống như bãi cỏ mơn mởn ấy. Cho nên đừng vì nản lòng nhất thời mà từ bỏ thói quen đọc sách, kiến thức là biển rộng mênh mông, là vũ trụ bao la. Đọc sách có thể không làm bạn giàu lên nhưng nó làm nên cốt cách con người bạn.
Không có sự ô nhiễm nào lớn hơn sự thiếu hiểu biết.
(Đức Phật)
4. Đánh giá sách Đừng phí hoài tuổi trẻ
Mình chưa đọc hết cuốn sách này, cụ thể mình đã dừng lại sau khi đọc hai chủ đề trên – hai chủ đề đầu tiên của sách. Mình cảm thấy lối suy nghĩ, hành văn của tác giả không phù hợp với mình. Câu từ, ví dụ chưa đủ thực, đủ độ sâu để khiến người đọc thấy nó hợp lí chứ chưa nói đến thuyết phục.
Tóm lại, mình nghĩ qua hai chủ đề nhỏ kia bạn cũng có thể cảm nhận được cuốn sách này có phù hợp với mình hay không. Trên đây chỉ là ý kiến cá nhận của mình, còn đương nhiên nếu bạn thấy cuốn sách phù hợp thì cứ tìm đọc thôi.
Tóm tắt & Review sách Đừng phí hoài tuổi trẻ – Nguyễn Anh Dũng
TuClass.com