Cuốn sách Tâm lý học thành công của Carol S. Dweck khẳng định rằng tư duy là yếu tố quyết định thành công hơn tài năng hay trí tuệ thiên bẩm. Tác giả phân chia thành hai kiểu tư duy: tư duy bảo thủ (Fixed Mindset), cho rằng khả năng là cố định, và tư duy cầu tiến (Growth Mindset), tin vào khả năng học hỏi và phát triển qua nỗ lực. Những người có tư duy cầu tiến liên tục phát triển, yêu thích thử thách và xem thất bại là cơ hội để học hỏi, trong khi những người có tư duy bảo thủ thường bị hạn chế bởi nỗi sợ thất bại.
Tư duy định hình thành công
Sau nhiều thập niên nghiên cứu về thành công, nhà tâm lý học nổi tiếng Carol S. Dweck khẳng định rằng yếu tố quyết định thành công của mỗi người không nằm ở tài năng hay trí tuệ thiên bẩm, mà nằm ở cách chúng ta tư duy.
Carol đã nhận diện hai kiểu tư duy phổ biến mà con người thường sở hữu: một là tư duy bảo thủ (Fixed Mindset) và hai là tư duy cầu tiến (Growth Mindset). Không chỉ trở thành hai khái niệm kinh điển trong lĩnh vực phát triển bản thân, công trình nghiên cứu của Carol mang đến những bài học giá trị về niềm tin, sự kiên trì và nỗ lực để đạt được thành công.
Chỉ một thay đổi nhỏ trong tư duy có thể dẫn đến những hành trình mới, làm thay đổi và ảnh hưởng đến cuộc sống theo nhiều chiều kích khác nhau.
Tư duy định hình niềm tin
Nội dung thứ nhất: Cách tư duy định hình niềm tin về khả năng học hỏi, thay đổi và phát triển. Từ hình dạng hộp sọ đến kích thước bàn chân, các đặc điểm thể chất của cơ thể con người ít nhiều đã được xác định ngay từ đầu. Tất nhiên, con người có thể bị gãy xương hay thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng nhìn chung, con người có rất ít quyền kiểm soát các đặc điểm cơ thể của mình.
Thế nhưng, đối với khả năng trí tuệ và thể chất như làm toán, vẽ hay chơi thể thao thì sao? Chúng là những năng khiếu bẩm sinh được di truyền hay được hình thành nhờ học hỏi? Ngày nay, hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng nếu muốn trở thành một nghệ sĩ violin, con người không chỉ cần có năng khiếu âm nhạc mà còn phải dành rất nhiều năm để luyện tập chăm chỉ.
Bởi vì tư duy của mỗi người đóng vai trò quan trọng trong cách nhìn nhận bản thân và người khác, nghĩa là tư duy sẽ định hình niềm tin về việc có thể hoàn thành một điều gì đó hay không. Năng khiếu và luyện tập là hai thái cực cơ sở cho khái niệm tư duy bảo thủ (Fixed Mindset) và tư duy cầu tiến (Growth Mindset).
Tư duy bảo thủ và cầu tiến
Những người có tư duy bảo thủ tin rằng họ bẩm sinh có một số năng khiếu để làm một số việc nhất định và hoàn toàn không có khả năng làm những việc khác. Trong khi đó, những người có tư duy cầu tiến tin rằng nếu cố gắng đủ nhiều, họ có thể giỏi bất kỳ việc gì.
Do vậy, những người thuộc nhóm tư duy cầu tiến liên tục phát triển và hoàn thiện trong suốt cuộc đời. Họ có khả năng đào luyện kỹ năng mới và tích cực tham gia vào sự phong phú của đời sống. Đối với họ, cuộc sống luôn vận động và thay đổi.
Ngược lại, những người có tư duy bảo thủ thường để lối suy nghĩ nhị nguyên, kiểu rạch rò giữa trắng và đen, cản trở sự phát triển của bản thân. Nếu thất bại trong việc gì đó, họ sẽ suy sụp hoặc đổ lỗi cho người khác. Họ mong đợi có được một tình yêu vĩnh cửu thay vì chủ động giải quyết những vấn đề trong các mối quan hệ.
Niềm tin vào sự phát triển
Nội dung thứ hai: Tư duy cầu tiến là niềm tin vào sự phát triển. Khi những đứa trẻ được yêu cầu giải quyết một bài toán khó ở trường, chúng sẽ yêu thích các thử thách và muốn chinh phục nhiều bài toán khó hơn nữa khi trở về nhà. Khi nói đến tiềm năng của những đứa trẻ mang tư duy cầu tiến, giới hạn chính là bầu trời.
Điểm số chỉ thể hiện phong độ của chúng ở một thời điểm, và những đứa trẻ này luôn tin rằng chúng có thể học hỏi nhiều hơn nếu chăm chỉ, tận tâm và kiên trì.
Hơn nữa, những học sinh có tư duy cầu tiến không đặt mục tiêu đạt điểm cao nhất hay làm sao để giỏi hơn các bạn khác mà là thúc đẩy và khám phá tiềm năng của chính bản thân mình. Dù là âm nhạc hay thể thao, viết hay vẽ, những đứa trẻ này đều luyện tập không ngừng và nhận thức rằng chỉ thông qua luyện tập và đôi khi là thất bại, chúng mới có thể cải thiện kỹ năng của mình.
Thất bại và cơ hội
Nội dung thứ ba: Tư duy bảo thủ xem thất bại là thảm họa, trong khi tư duy cầu tiến xem thất bại là cơ hội. Đối với những người có tư duy bảo thủ, thất bại để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Chẳng hạn trong trường hợp của tay golf nổi tiếng người Tây Ban Nha Sergio Garcia.
Khi có một chuỗi trận đấu tồi tệ, anh ta đã đuổi hết người phục vụ này đến người phục vụ khác trên sân golf trong cơn thịnh nộ. Sergio thậm chí còn đổ lỗi cho đôi giày của mình. Anh cởi chúng ra và ném vào một người ngoài cuộc vô tội vì quá thất vọng.
Người có tư duy bảo thủ không tin rằng họ có thể học hỏi và tiến bộ từ những sai lầm của mình. Họ coi một thất bại là bằng chứng của một kẻ thua cuộc mãi mãi. Thất bại đó đã phủ định và làm lưu mờ giá trị của những thành công mà họ đã đạt được trong quá khứ.
Kết luận
Bạn vừa nghe xong tóm tắt sách Tâm lý học thành công. Những người mang tư duy bảo thủ bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ thất bại và niềm tin về năng khiếu bẩm sinh, cản trở bản thân. Ngược lại, những người có tư duy cầu tiến sẽ chăm chỉ rèn luyện và phát huy hết tiềm năng. Bằng cách đối mặt với những thái độ và ý tưởng của bản thân, con người có thể xây dựng và phát triển tư duy cầu tiến.