Cuốn sách Trí tuệ xúc cảm của Daniel Goleman nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm xúc trong việc định hình quyết định và tương tác xã hội. Ông chỉ ra rằng IQ cao không đảm bảo thành công và hạnh phúc, mà trí tuệ cảm xúc (EQ) mới là yếu tố quyết định. Goleman phân tích sự tương tác giữa trí tuệ lý trí và trí tuệ xúc cảm, nhấn mạnh rằng khả năng kiểm soát cảm xúc giúp con người đạt được hiệu suất cao hơn. Cuốn sách cũng khuyến nghị bồi dưỡng cảm xúc từ nhỏ để phát triển trí tuệ cảm xúc lâu dài.
Tóm tắt sách Trí tuệ xúc cảm của tác giả Daniel Goleman. Bất cứ ai cũng có khả năng trở nên giận dữ. Tuy nhiên, để thể hiện sự giận dữ đúng đối tượng, với mức độ phù hợp, vào thời điểm thích hợp và vì những lý do chính đáng lại không phải là điều dễ dàng.
Sự quan trọng của cảm xúc
Cuốn sách Trí tuệ xúc cảm của Daniel Goleman đã bắt đầu bằng việc chỉ ra điểm yếu nhất của con người, đó chính là cảm xúc. Ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng việc có chỉ số thông minh (IQ) cao chưa chắc đảm bảo cho một cuộc đời thành công và hạnh phúc.
Tuy nhiên, chỉ đến khi đọc Trí tuệ xúc cảm của Daniel Goleman, chúng ta mới có thể lý giải rõ ràng lý do vì sao điều đó lại xảy ra. Trên thực tế, cảm xúc hiện diện ở khắp mọi nơi. Chúng định hình các quyết định của con người, giúp cảm nhận thế giới và đóng vai trò quan trọng trong mọi tương tác.
Góc nhìn mới về trí tuệ
Cuốn sách Trí tuệ xúc cảm đưa ra một góc nhìn mới so với cách tiếp cận quá tập trung vào lý trí vốn rất phổ biến trước đây. Dựa vào phân tích chuỗi hành vi tâm lý, Daniel Goleman giúp người đọc hiểu rằng cảm xúc điều khiển mọi suy nghĩ và đồng thời giúp đưa ra những quyết định chính xác.
Tác giả Daniel Goleman
Tác giả Daniel Goleman được biết đến với vai trò nhà báo khoa học, nhà văn và giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Harvard vào những năm 1970 với chuyên ngành tâm lý học ý thức. Từ năm 1984, Daniel Goleman bắt đầu làm việc cho New York Times với những bài báo liên quan đến não bộ và khoa học hành vi.
Ông trở nên nổi tiếng với Trí tuệ xúc cảm, cuốn sách được xuất bản năm 1995 và nhanh chóng chiếm giữ vị trí trong top sách bán chạy của New York Times trong vòng một năm rưỡi. Từ sự chỉnh chu và giải thích đầy đủ dựa trên cơ sở nghiên cứu tâm lý học và thần kinh học, Trí tuệ xúc cảm đã trở thành thuật ngữ chuyên ngành trong nghiên cứu hiện đại về trí tuệ cảm xúc (EQ).
Nội dung nổi bật trong cuốn sách
Daniel Goleman chính là người tiên phong đặt nền móng cho khái niệm này. Sau đây là ba nội dung đáng chú ý trong cuốn sách Trí tuệ xúc cảm:
Nội dung thứ nhất: IQ không quyết định số phận
Theo Goleman, con người có hai bộ não, hai tinh thần và hai loại trí thông minh khác nhau: lý trí và xúc cảm. Cách con người đưa ra quyết định trong cuộc sống được cả hai loại trí thông minh này dẫn dắt. Trí tuệ lý trí không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu trí tuệ xúc cảm. Khi hai loại trí tuệ này tương tác tốt với nhau, trí tuệ xúc cảm tăng lên và năng lực tư duy lý trí cũng sẽ được cải thiện.
Trong sách, Daniel Goleman chỉ ra một số yếu tố khiến người có IQ cao có thể gặp khó khăn trong công việc, trong khi những người có IQ thấp hơn lại đạt được hiệu suất đáng kinh ngạc. Phần đáng ngạc nhiên này được tạo ra từ cảm xúc. Nói cách khác, những người biết điều khiển cảm xúc của mình sẽ có khả năng cân bằng cuộc sống và công việc một cách hiệu quả hơn.
Nội dung thứ hai: Sử dụng xúc cảm một cách thông minh
Dựa trên kiến thức khoa học, Daniel Goleman chỉ ra rằng cảm xúc của con người, cụ thể là đồi hạnh nhân trong não, phát huy hiệu quả trong mọi tình huống trước cả vỏ não, nơi diễn ra tư duy lý trí. Ví dụ, khi ngủ giữa đêm và nghe thấy tiếng động, não hạnh nhân sẽ phát tín hiệu khiến con người bật dậy và phản ứng trước khi vỏ não kịp nhận thức tình huống.
Ở phần lớn các trường hợp trong cuộc sống, cảm xúc sẽ giúp nhận biết nguy hiểm. Do đó, những người có chỉ số xúc cảm cao thường sẽ tinh tế và nhanh nhạy trong mọi cuộc giao tiếp hơn so với những người chỉ có chỉ số IQ cao. Xúc cảm luôn đi trước chỉ số thông minh một nhịp, và vì vậy, tiếng nói của cảm xúc rất cần được lắng nghe.
Nội dung thứ ba: Bồi dưỡng xúc cảm từ nhỏ
Muốn có được trí tuệ, cần bồi dưỡng cảm xúc từ nhỏ. Trẻ nhỏ có khả năng nhận thức từng trao đổi cảm xúc tinh tế nhất trong gia đình. Cảm xúc mà cha mẹ thể hiện với nhau và với đứa trẻ sẽ là những bài học sâu sắc mà trẻ sẽ mang theo khi trưởng thành. Chỉ vài tháng sau khi chào đời, khi nghe thấy một đứa trẻ khác khóc, trẻ con cũng sẽ biểu hiện sự đồng cảm bằng cách khóc theo.
Khoảng một tuổi, trẻ bắt đầu nhận ra rằng nỗi buồn không phải là của mình, nhưng vẫn tìm cách để giúp người khác nguôi ngoai bằng cách xoa lưng, ôm hay đưa đồ chơi cho họ. Khi thấy một đứa trẻ bị đau ở ngón tay, đứa trẻ khác sẽ đưa ngón tay lên miệng để kiểm tra xem mình có bị đau không. Khi nhìn thấy mẹ khóc, đứa trẻ sẽ chùi mắt mình và chùi mắt mẹ mặc dù nó không khóc.
Hành động này là sự bắt chước, và chính những trải nghiệm đó sẽ gợi lên cảm xúc trong chính bản thân chúng. Những đứa trẻ lớn lên trong sự khuyến khích và cổ vũ của cha mẹ thường tin rằng chúng có khả năng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ngược lại, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình thờ ơ, hỗn loạn hay xa cách thường nghĩ đến khả năng thất bại ngay từ đầu.
Lý do là vì sâu trong tâm khảm, chúng không cảm thấy tự hào về những điều đó và cho rằng nếu chúng làm tốt cũng sẽ không được khen ngợi. Chúng sẽ khăng khăng giữ quan điểm rằng “con không thể, con không làm được” trong mọi tình huống. Những đứa trẻ đó có thể lớn lên trong tâm thế thua cuộc, không mong đợi lời động viên hay khen ngợi từ thầy cô, cảm thấy trường học không có gì vui và thậm chí có thể bỏ học.
Daniel Goleman chỉ ra rằng những đứa trẻ được nuôi dưỡng cảm xúc tốt sẽ loại bỏ được tính nhút nhát bẩm sinh. Càng thoải mái trong mối quan hệ với người khác, chúng càng có nhiều cơ hội để trải nghiệm những điều tích cực.